damussatoshi on Nostr: Đó là một bộ gồm 4 bức tranh mà mình đã đọc về nó, đã cảm ...
Đó là một bộ gồm 4 bức tranh mà mình đã đọc về nó, đã cảm nhận về nó, và từ lâu khao khát đến tận nơi để ngắm bộ tranh đặc biệt ấy. Nó đặc biệt, bởi có tên “The Voyage of life” (“Hành trình cuộc sống”, hoàn thành năm 1840, vẽ bộ thứ hai với vài chỉnh sửa năm 1842), đó là bộ tranh của hoạ sĩ trường phái lãng mạn người Mỹ Thomas Cole (1801-1848) về cuộc đời của chính chúng ta, từ khi còn là một đứa trẻ cho đến khi về già và rồi từ giã cõi đời. Có một nhân vật xuyên suốt trong 4 bức tranh phong cảnh đã luôn thay đổi trong từng giai đoạn cuộc đời, hệt như 4 mùa trong năm, Xuân, Hạ, Thu, Đông.
“Childhood” (Thuở ấu thơ), bức tranh đầu tiên trong bộ tranh thể hiện một khung cảnh tràn đầy hứa hẹn và chất chứa biết bao niềm vui. Ở bên trái bức tranh, từ một hang động hiểm trở chảy ra một dòng sông bình lặng, một con thuyền mạ vàng đang lướt trên đó, chở một vị khách tí hon-một câu bé hồn nhiên, vui sướng như thể vừa bước ra khỏi bóng tối (ẩn dụ là bụng của mẹ mình) để ra ánh sáng cuộc đời. Sau chú bé là một thiên thần hộ mệnh đang cầm bánh lái, gương mặt bình thản và trìu mến như của người mẹ. Phía trước chú bé là mũi thuyền được đẽo hình của một nữ thần đang cầm chiếc đồng hồ cát, biểu thị cuộc sống bắt đầu và thời gian đang trôi.
Khung cảnh mới đẹp đẽ làm sao, với hoa lá cỏ cây, với bầu trời cao rộng và ánh bình minh đang phủ lên đất trời. Phải chăng tác giả đang nói đến tuổi ấu thơ đẹp đẽ, ngây thơ, vô lo của chính chúng ta, bên vòng tay mẹ cha, trong một sự khởi đầu cuộc đời êm ả và không thể nào quên?
Trong “Youth” (Tuổi trẻ), bức tranh thứ hai của bộ tranh, khung cảnh đã trở nên rộng mở hơn, và thiên thần hộ mệnh đã không còn ở trên thuyền nữa mà đứng trên bờ, trìu mến vẫy tay theo vị khách giờ đã là một người thanh niên cường tráng và đầy mơ mộng tự lái con thuyền của mình trên sông. Điều đó cũng giống như đến một lúc nào đó, cha mẹ ta không còn bao bọc chúng ta nữa nhưng vẫn ở bên khích lệ chúng ta tiến bước. Hãy để ý tay của người thanh niên ấy. Anh đang giơ về phía một lâu đài trên mây, như một ảo ảnh, như những ước mơ, hoài bão, kế hoạch, dự định của cuộc đời. Chiếc thuyền cũng đang đi về phía đó.
Nhưng hãy nhìn kĩ nữa về con sông. Nó có vẻ cũng dẫn đến phía lâu đài, với phần nước ban đầu êm ả cạnh con thuyền và cây cối soi bóng xuống đó, nhưng càng đi xa, con sông càng khúc khuỷu và rồi lẽ ra dẫn đến lâu đài thì nó lại rẽ sang phải, đi mãi đến góc phải bức tranh, cho thấy nhiều ghềnh đá. Có lẽ nào chàng thanh niên hăm hở bước ra cuộc sống ấy, với những ước mơ và khát khao cháy bỏng, đã không nhìn thấy khúc ngoặt ấy? Phải chăng toà lâu đài, biểu tượng cho những ước mơ xa vời của tuổi trẻ, những khát khao thành công, vinh quang và danh vọng, đã làm mờ mắt chàng thanh niên ấy, khi chàng không hiểu được dòng đời phức tạp đến mức nào?
Bức thứ ba, “Manhood” (Trưởng thành) là bức có những gam màu u ám nhất. Tất cả đều đã thay đổi, từ khung cảnh cho đến người thanh niên, giờ đã trở thành một người đàn ông ở tầm tuổi 40-50, râu ria xồm xoàm, đang quỳ trên con thuyền cuộc đời và hai tay như chắp lại để cầu Chúa. Ghềnh đá xuất hiện khắp nơi, con sông nước xiết cuồn cuộn đang đưa con thuyền đến ghềnh thác và vách đá có thể đánh vỡ nát con thuyền ấy. Mây đen phủ kín trời, gió nổi lên khắp nơi, mưa cũng đã rơi. Bánh lái con thuyền đã gãy, dường như người đàn ông không thể lái được nữa mà giờ phó mặc số phận mình cho dòng nước. Thiên thần hộ mệnh vẫn đứng trên cao và rất xa chăm chú dõi theo người đàn ông nhưng không thể can thiệp và giúp đỡ. Anh phải tự lực cánh sinh để sống sót sau khủng hoảng tuổi trung niên.
Bức tranh này chính là cao trào của bộ tranh. Sau sự mở đầu với tuổi đẹp đẽ và tuổi thanh niên đầy mơ mộng chính là cuộc đời đầy bão dông, với biết bao thăng trầm, với những lâu đài ảo mộng đã tan tành, khi con thuyền đi qua những khúc sông đầy bất trắc. Nhưng vẫn có hy vọng, bởi xa kia, vượt ra ngoài những vách đá là đại dương phủ một màu u ám, nhưng đâu đó đã có ánh mặt trời báo hiệu bão sắp tan. Dù con thuyền đang hướng tới ghềnh thác và ta không thấy lối nào cho nó ra đại dương, nhưng đại dương đang chờ.
Ở bức cuối cùng, “Old age” (Tuổi già), khung cảnh thay đổi, với màu sắc khác hẳn. Gam màu không xanh như thời niên thiếu và thanh niên mà ở màu tối, nhưng tông màu đã khác bức thứ ba. Bầu trời vẫn sẫm đen và mây đen vẫn tồn tại, nhưng bão đã tan, ánh sáng của thiên đường đã xuyên qua bóng tối. Con thuyền đã tơi tả khi vượt qua ghềnh thác và đồng hồ cát cũng không còn nữa khi nó đi qua những vách đá lởm chởm cuối cùng để tiến ra đại dương. Người lữ hành bây giờ đã hói đầu, râu bạc trắng, ngồi trên thuyền hệt như đứa trẻ ngày nào ra khỏi hang, gương mặt bình thàn và điềm tĩnh, không mừng vui cũng không sợ hãi.
Người đàn ông ấy cũng đang chắp tay, theo hướng chỉ tay của thiên thần hộ mệnh giờ đã bay theo ông và hướng tay mình về thiên đường, nơi một thiên thần khác cũng đang vẫy gọi, chào đón ông tới đó. Dòng chảy của sự sống giờ đã đến đại dương, đích đến cuối cùng của cuộc đời, là sự kết thúc của một vòng đời. Chúng ta khởi đầu trong hạnh phúc và chúng ta kết thúc trong sự thanh thản, lúc đầu hứng khởi và tươi vui, lúc kết thúc chấp nhận và từng trải sau khi đã qua mọi biến cố của cuộc đời.
Trong tư duy phương Tây, một thuật ngữ ẩn dụ là “dòng sông cuộc đời” chính là sự mô tả cuộc đời của mỗi người giống như một hành trình trên con sông, với sự ngây thơ của tuổi thơ, sự tự tin và những tham vọng của tuổi trẻ, sự từng trải của tuổi trung niên và tuổi già ập đến. Tất cả chúng ta, ai cũng đã, đang và sẽ đi trên dòng sông này.
Bộ tranh “Hành trình cuộc sống” của Thomas Cole hiện đang trưng bày trong National Gallery of Art (Viện trưng bày Nghệ thuật quốc gia) ở Washington DC, Mỹ…
“Childhood” (Thuở ấu thơ), bức tranh đầu tiên trong bộ tranh thể hiện một khung cảnh tràn đầy hứa hẹn và chất chứa biết bao niềm vui. Ở bên trái bức tranh, từ một hang động hiểm trở chảy ra một dòng sông bình lặng, một con thuyền mạ vàng đang lướt trên đó, chở một vị khách tí hon-một câu bé hồn nhiên, vui sướng như thể vừa bước ra khỏi bóng tối (ẩn dụ là bụng của mẹ mình) để ra ánh sáng cuộc đời. Sau chú bé là một thiên thần hộ mệnh đang cầm bánh lái, gương mặt bình thản và trìu mến như của người mẹ. Phía trước chú bé là mũi thuyền được đẽo hình của một nữ thần đang cầm chiếc đồng hồ cát, biểu thị cuộc sống bắt đầu và thời gian đang trôi.
Khung cảnh mới đẹp đẽ làm sao, với hoa lá cỏ cây, với bầu trời cao rộng và ánh bình minh đang phủ lên đất trời. Phải chăng tác giả đang nói đến tuổi ấu thơ đẹp đẽ, ngây thơ, vô lo của chính chúng ta, bên vòng tay mẹ cha, trong một sự khởi đầu cuộc đời êm ả và không thể nào quên?
Trong “Youth” (Tuổi trẻ), bức tranh thứ hai của bộ tranh, khung cảnh đã trở nên rộng mở hơn, và thiên thần hộ mệnh đã không còn ở trên thuyền nữa mà đứng trên bờ, trìu mến vẫy tay theo vị khách giờ đã là một người thanh niên cường tráng và đầy mơ mộng tự lái con thuyền của mình trên sông. Điều đó cũng giống như đến một lúc nào đó, cha mẹ ta không còn bao bọc chúng ta nữa nhưng vẫn ở bên khích lệ chúng ta tiến bước. Hãy để ý tay của người thanh niên ấy. Anh đang giơ về phía một lâu đài trên mây, như một ảo ảnh, như những ước mơ, hoài bão, kế hoạch, dự định của cuộc đời. Chiếc thuyền cũng đang đi về phía đó.
Nhưng hãy nhìn kĩ nữa về con sông. Nó có vẻ cũng dẫn đến phía lâu đài, với phần nước ban đầu êm ả cạnh con thuyền và cây cối soi bóng xuống đó, nhưng càng đi xa, con sông càng khúc khuỷu và rồi lẽ ra dẫn đến lâu đài thì nó lại rẽ sang phải, đi mãi đến góc phải bức tranh, cho thấy nhiều ghềnh đá. Có lẽ nào chàng thanh niên hăm hở bước ra cuộc sống ấy, với những ước mơ và khát khao cháy bỏng, đã không nhìn thấy khúc ngoặt ấy? Phải chăng toà lâu đài, biểu tượng cho những ước mơ xa vời của tuổi trẻ, những khát khao thành công, vinh quang và danh vọng, đã làm mờ mắt chàng thanh niên ấy, khi chàng không hiểu được dòng đời phức tạp đến mức nào?
Bức thứ ba, “Manhood” (Trưởng thành) là bức có những gam màu u ám nhất. Tất cả đều đã thay đổi, từ khung cảnh cho đến người thanh niên, giờ đã trở thành một người đàn ông ở tầm tuổi 40-50, râu ria xồm xoàm, đang quỳ trên con thuyền cuộc đời và hai tay như chắp lại để cầu Chúa. Ghềnh đá xuất hiện khắp nơi, con sông nước xiết cuồn cuộn đang đưa con thuyền đến ghềnh thác và vách đá có thể đánh vỡ nát con thuyền ấy. Mây đen phủ kín trời, gió nổi lên khắp nơi, mưa cũng đã rơi. Bánh lái con thuyền đã gãy, dường như người đàn ông không thể lái được nữa mà giờ phó mặc số phận mình cho dòng nước. Thiên thần hộ mệnh vẫn đứng trên cao và rất xa chăm chú dõi theo người đàn ông nhưng không thể can thiệp và giúp đỡ. Anh phải tự lực cánh sinh để sống sót sau khủng hoảng tuổi trung niên.
Bức tranh này chính là cao trào của bộ tranh. Sau sự mở đầu với tuổi đẹp đẽ và tuổi thanh niên đầy mơ mộng chính là cuộc đời đầy bão dông, với biết bao thăng trầm, với những lâu đài ảo mộng đã tan tành, khi con thuyền đi qua những khúc sông đầy bất trắc. Nhưng vẫn có hy vọng, bởi xa kia, vượt ra ngoài những vách đá là đại dương phủ một màu u ám, nhưng đâu đó đã có ánh mặt trời báo hiệu bão sắp tan. Dù con thuyền đang hướng tới ghềnh thác và ta không thấy lối nào cho nó ra đại dương, nhưng đại dương đang chờ.
Ở bức cuối cùng, “Old age” (Tuổi già), khung cảnh thay đổi, với màu sắc khác hẳn. Gam màu không xanh như thời niên thiếu và thanh niên mà ở màu tối, nhưng tông màu đã khác bức thứ ba. Bầu trời vẫn sẫm đen và mây đen vẫn tồn tại, nhưng bão đã tan, ánh sáng của thiên đường đã xuyên qua bóng tối. Con thuyền đã tơi tả khi vượt qua ghềnh thác và đồng hồ cát cũng không còn nữa khi nó đi qua những vách đá lởm chởm cuối cùng để tiến ra đại dương. Người lữ hành bây giờ đã hói đầu, râu bạc trắng, ngồi trên thuyền hệt như đứa trẻ ngày nào ra khỏi hang, gương mặt bình thàn và điềm tĩnh, không mừng vui cũng không sợ hãi.
Người đàn ông ấy cũng đang chắp tay, theo hướng chỉ tay của thiên thần hộ mệnh giờ đã bay theo ông và hướng tay mình về thiên đường, nơi một thiên thần khác cũng đang vẫy gọi, chào đón ông tới đó. Dòng chảy của sự sống giờ đã đến đại dương, đích đến cuối cùng của cuộc đời, là sự kết thúc của một vòng đời. Chúng ta khởi đầu trong hạnh phúc và chúng ta kết thúc trong sự thanh thản, lúc đầu hứng khởi và tươi vui, lúc kết thúc chấp nhận và từng trải sau khi đã qua mọi biến cố của cuộc đời.
Trong tư duy phương Tây, một thuật ngữ ẩn dụ là “dòng sông cuộc đời” chính là sự mô tả cuộc đời của mỗi người giống như một hành trình trên con sông, với sự ngây thơ của tuổi thơ, sự tự tin và những tham vọng của tuổi trẻ, sự từng trải của tuổi trung niên và tuổi già ập đến. Tất cả chúng ta, ai cũng đã, đang và sẽ đi trên dòng sông này.
Bộ tranh “Hành trình cuộc sống” của Thomas Cole hiện đang trưng bày trong National Gallery of Art (Viện trưng bày Nghệ thuật quốc gia) ở Washington DC, Mỹ…